Trước hết chúng ta cần biết 2 vị trí hiển thị của quảng cáo trên Facebook cho user nhìn thấy đó là Newsfeed và Cột phải. Newsfeed của một user họ sẽ nhìn thấy các thông tin từ bạn bè, group họ quan tâm, thường xuyên tương tác* , Facebook cho phép các nhà quảng cáo trả tiền để hiển thị tin quảng cáo lên Newsfeed user. Như vậy nếu một Newsfeed toàn các tin quảng cáo thì người dùng sẽ mất tin tức quan trọng từ bạn bè họ, họ sẽ tìm một nơi khác kết nối bạn bè tốt hơn và đây là điều Facebook không muốn và chúng ta ngầm định rằng Facebook sẽ giới hạn số tin quảng cáo user nhìn thấy trên Newsfeed.
Với cột phải thì vị trí hiển thị ngoài quảng cáo còn có những gợi ý hữu ích từ Facebook cho user như: Suggested Page, Suggest Groups, Suggest Friends, Suggest Event hay gợi ý Rating các Place mà chính những gợi ý này là điều Facebook nên duy trì vì tôi hầu hết tìm thấy bạn bè từ cấp 1, cấp 2, các hội thảo hay groups tôi quan tâm từ chỗ này.
Chính việc theo đuổi trải nghiệm người dùng tốt nhất nên tôi nghĩ rằng cả vị trí bên phải này Facebook cũng có thể giới hạn số quảng cáo mà người dùng nhìn thấy trong ngày khi họ online.
Thế nên:
– Với số vị trí không đổi, người dùng ngày một kết nối sâu, nhiều bạn bè cộng đồng hơn, sự cạnh tranh giữa tin hữu ích, tin quảng cáo khốc liệt hơn.
– Số lượng các nhà quảng cáo, doanh nghiệp gia tăng, cạnh tranh giữa giá thầu các nhà quảng cáo ngày một tăng.
– Việc gian lận (chạy bùng, thanh toán bằng CC…) dẫn tới giá thầu ngày một tăng.
– Các đại gia tham gia quảng cáo với ngân sách thoải mái, sẵn sàng chi cũng là một yếu tố đẩy giá (ví dụ các đơn vị làm Game, các thương hiệu lớn..)
– Ngoài các nguyên nhân khách quan trên thì chúng ta có các nguyên nhân chủ quan là việc tin quảng cáo của bạn có vấn đề (nội dung không tốt, sai đối tượng chẳng hạn), bạn quảng cáo lặp đi lặp lại 1 thông điệp, hình ảnh sản phẩm giống lần trước trong khi người ta đã quen với quảng cáo đó, không action khi nhìn thấy.
Đó là những yếu tố dẫn tới giá hành động, click, CPM cao. Vậy khi gặp giá đắt thì chúng ta sẽ tiến hành những bước sau:
1. Đánh giá lại hiệu quả chuyển đổi của quảng cáo, bán được bao nhiêu đồ, thu hút được bao nhiêu người quan tâm, nếu không một ai thì hủy tắt ngay quảng cáo. Tôi đã từng chạy chiến dịch 1000Đ 1 click, tuy nhiên có tới cả vài chục người đăng ký mua hàng, đủ bù chi phí và có lãi nên tôi chấp nhận trả.
2. Làm lại quảng cáo mới (mặc định là thị trường của bạn tiềm năng, nhu cầu lớn, luôn có người sẵn sàng mua) thì ta phải xem lại nhắm mục tiêu đối tượng, tệp UID, nội dung thời điểm đưa ra, làm lại ảnh và bài viết (ảnh đã phù hợp, bố cục rõ ràng, màu sắc dễ nhìn không, bài viết đã có tit gây chú ý, kêu gọi hành động không…). Thậm chí đổi sang dạng content khác, ví dụ như video. Nếu tiếp tục không có ai mua hàng chúng ta cần xem xét lại sản phẩm dịch vụ của mình có lạc hậu không, có phải có bên nào vừa bán không (hot deal, muachung…); sản phẩm bạn bán có mới quá, người ta chưa từng biết nên còn dè chừng mua hay không và cân nhắc bước tiếp theo.
3. Lựa chọn một hình thức, nơi khác phát tin quảng cáo: thay vì trả tiền cho Facebook, bạn có thể cân nhắc thuê post ở Fanpage lớn có đông công chúng mục tiêu. Thuê post Group hoặc seeding trên các Group liên quan hay mời người nổi tiếng, influencer phát tin rồi lấy đó làm nội dung chạy quảng cáo. Ngoài ra bạn cũng nên cân nhắc một kênh khác như Google Adwords, thuê bài, banner trên các Website tập trung công chúng của bạn, Sms Marketing, Email marketing, Forum seeding …
4. Tất cả các cách trên thực hiện xong mà giá vẫn đắt, vậy thì có thể Facebook – Digital marketing không phù hợp với sản phẩm của bạn, chúng ta nên quay trở về tập trung marketing offline hoặc thậm chí lựa chọn lại ngành hàng, sản phẩm khác nếu muốn làm Marketing trên Facebook.